Tài liệu 1
GIỚI THIỆU NỘI DUNG CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC
VỀ CHỐNG TRA
TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC
TRỪNG PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC
CON NGƯỜI VÀ
SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM
I. BỐI CẢNH
RA ĐỜI, Ý NGHĨA CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC TRỪNG
PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI
1. Bối cảnh
ra đời
Năm 1946, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí
thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ghi nhận các quyền cơ bản của con
người, trong đó có quyền không bị tra tấn, đối xử
tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục… Trên cơ sở Tuyên
ngôn thế giới về nhân quyền, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế cũng được ban hành,
trong đó có ghi nhận quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc
hạ nhục con người như Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm
1948 Công ước của châu Âu về nhân quyền năm 1950…
Đến
năm 1966, Liên hợp quốc thông qua 02 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con
người là Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Công ước ICESCR), Công
ước về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). Quyền không bị tra tấn,
đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục được nhắc lại tại Điều 7 Công ước ICCPR.
Nhận
thức được tầm quan trọng của quyền không bị tra tấn hay ngược đãi (gọi chung
cho các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhận đạo và hạ nhục con
người), ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một văn kiện
riêng về quyền này với tên gọi “Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và
các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”[1] (sau đây gọi là Tuyên bố về chống tra tấn).
Ngay sau khi thông qua Tuyên bố về chống tra tấn, ngày 09/12/1975, Đại hội đồng
Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 3453 (XXX) yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền (Commission on Human Rights) tiến hành nghiên cứu các vấn
đề liên quan đến “tra tấn” và thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thực hiện
hiệu quả Tuyên bố về chống tra tấn. Hai năm sau đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp
tục thông qua Nghị quyết số 36/62 yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền xây dựng dự thảo
Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô
nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi là Công ước Chống tra tấn) trên cơ
sở các nguyên tắc đã được quy định bởi Tuyên bố về chống tra tấn.
Để thực hiện các Nghị quyết nói trên của Đại hội đồng
Liên hợp quốc, hai Nhóm làm việc đặc biệt đã được thành lập để thảo luận và xây
dựng dự thảo Công ước Chống tra tấn. Dự thảo Công ước Chống tra tấn được giới
thiệu lần đầu bởi Thuỵ Điển và được gửi để Nhóm làm việc thứ hai xem xét, thảo
luận vào năm 1978. Dự thảo Công ước Chống tra tấn này tiếp tục được Nhóm công
tác sử dụng để thảo luận, chuyển tới các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc
và đệ trình lên Hội đồng kinh tế, văn hoá và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) để
lấy ý kiến. Ngày 24/5/1984, Hội đồng ECOSOC đã chấp thuận cho phép trình dự
thảo Công ước Chống tra tấn lên Đại hội đồng Liên hợp quốc để chờ thông
qua.
Ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua
Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân
đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46). Công ước được để mở cho các
quốc gia tham gia ký kết.
Ngày 26/6/1987, sau khi
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận được văn kiện phê chuẩn của quốc gia thứ 20,
Công ước Chống tra tấn chính thức có hiệu lực theo quy định của khoản 1 Điều 27
Công ước. Đến nay, Công ước Chống
tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên. Liên hợp quốc chọn
ngày có hiệu lực của Công ước là ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn
hàng năm.
Trong quá trình thực thi Công ước, Đại hội đồng Liên hợp
quốc cũng thông qua Nghị định thư không bắt buộc của Công ước Chống tra tấn
ngày 18/12/2002 (viết tắt là OPCAT) theo Nghị quyết số 57/199.[3] Nghị định thư không bắt
buộc có hiệu lực từ ngày 22/6/2006 thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế
phòng ngừa tra tấn thông qua các chuyến thăm của các cơ quan quốc tế độc lập,
các tổ chức trong nước đối với các cơ sở giam giữ. Nghị định thư OPCAT cũng
thành lập một tiểu ban về phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc
trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác để thực hiện các
chuyến thăm và hỗ trợ các quốc gia thành viên và các thể chế quốc gia trong
thực hiện các hoạt động tương tự trong phạm vi quốc gia.
2. Ý nghĩa của Công ước Chống tra tấn
Công
ước Chống tra tấn là một trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người
của Liên hợp quốc. Tính đến hết tháng 6/2019, Công ước Chống tra tấn đã có 166
quốc gia thành viên, trong đó có 06 quốc gia ASEAN.[4] Sự ra đời và mức độ phổ biến của Công ước đã
khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh
chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc
hạ nhục khác trên toàn thế giới.
Việc
Đại hội đồng thông qua Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu
ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn là bước
đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công
cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội
văn minh.
II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG
TRA TẤN
Công
ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như
sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của
các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa
các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn; từ Điều 17 đến Điều 24
quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên lên Ủy ban chống tra
tấn của Liên hợp quốc và thẩm quyền của Ủy ban, hoạt động của báo cáo viên đặc
biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn, quyền của các quốc gia về tuyên bố ký,
phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước; từ Điều 25 đến Điều 33 gồm những quy định
liên quan đến ký, phê chuẩn, gia nhập, hiệu lực và sửa đổi Công ước.
A. Về nội dung quy định tại phần I Công
ước
1. Khái niệm “tra tấn”
Khoản 1 Điều 1 của Công ước đưa ra định nghĩa “tra tấn”
như sau: “… “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi cố ý gây ra sự đau đớn hoặc
khổ sở đối với một người về thể xác hoặc tinh thần, nhằm những mục đích thu
thập thông tin hoặc sự nhận tội từ người đó hoặc một người thứ ba, trừng phạt
người đó về một hành vi mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hoặc nghi ngờ
đã thực hiện, đe dọa hoặc ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý
do gì khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi mà sự đau đớn
hoặc chịu đựng đó được gây ra bởi hoặc với sự xúi giục hoặc với sự đồng ý hoặc
sự chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc người khác đang thực hiện công
vụ. Khái niệm này không bao gồm sự đau đớn hoặc khổ sở là kết quả đương nhiên
hoặc ngẫu nhiên của các hình phạt hợp pháp”.
Có
thể hiểu “tra tấn” gồm những yếu tố cấu thành như sau:
a)
Về mặt chủ quan: hành vi tra tấn phải được thực hiện một cách cố ý
Tra
tấn được biểu hiện dưới nhiều hình thức như sử dụng vũ lực tác động trực tiếp
lên cơ thể con người: đánh đập, đâm chém, dùng điện, để đói, khát, ăn nhạt, tra
hỏi liên tục dưới sức nóng của ngọn đèn cao áp giữa những ngày nóng, oi bức,
bắt cởi quần áo trong trời giá rét hoặc bằng lời nói thô bạo tác động vào tâm
lý, tinh thần, tình cảm làm cho một người đau đớn, khổ sở, nhục nhã về tinh
thần nhằm mục đích làm cho người đó hoặc người thứ ba sợ hãi, tinh thần suy sụp
để lấy thông tin, tài liệu hoặc để bắt họ phải khai ra những gì không có thực,
sai sự thật theo ý đồ của người thực hiện hành vi tra tấn hoặc để trừng phạt
người đó vì những việc mà họ đã làm.
b)
Về mục đích: để lấy thông tin hoặc để trừng phạt vì một việc mà người đó đã làm
vì lý do công vụ. Ví dụ như trực tiếp tác động vào tinh thần của người bị tra
tấn để họ phải khai báo, thú nhận, nhưng cũng có thể để tác động vào tâm lý của
người thứ ba (như cha, mẹ, vợ, con, người thân khác hoặc đồng chí, đồng đội…)
để họ thấy sợ hãi, lo lắng, thương xót cho người bị tra tấn mà khai báo, thú
nhận hoặc đưa ra những thông tin trái với ý muốn của họ.
“Thông
tin” có thể là bất kỳ loại thông tin nào mà người thực hiện hành vi tra tấn cần
thu thập hoặc có thể là những thông tin liên quan đến quá trình thực thi công
vụ. Nếu việc dùng vũ lực, cưỡng ép để bất cứ thông tin nào không liên quan đến
công vụ của người đã thực hiện hành vi phạm tội sẽ không đúng với bản chất của
khái niệm tra tấn tại Điều 1 Công ước vì nhân viên công quyền chỉ có được quyền
lực công khi thực thi công vụ..
c)
Về hậu quả: hậu quả của hành vi tra tấn là gây đau đớn và khổ sở nghiêm trọng
cho cả tinh thần và thể xác, tâm lý của người bị tra tấn.
d)
Về chủ thể: là một nhân viên công quyền hoặc một người khác nhưng dưới sự đồng
ý hoặc cho phép của một nhân viên công quyền.
Ở
đây có hai trường hợp như sau:
-
Hành vi tra tấn do một nhân viên công quyền thực hiện;
-
Hành vi tra tấn được một người khác thực hiện, người này có thể không phải là
một nhân viên công quyền nhưng đang thực hiện nhiệm vụ công, hay nói cách khác
là có quyền lực như nhân viên công quyền hoặc thực hiện dưới sự cho phép/đồng
ý/chứng kiến của nhân viên công quyền.
Công
ước không đưa ra khái niệm thế nào là một nhân viên công quyền (public
official). Tuy nhiên, quy định tại Chương II Công ước Chống tra tấn, “nhân viên
công quyền” có thể là bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước hay cung
cấp một dịch vụ công như được định nghĩa trong pháp luật quốc gia của quốc gia
thành viên và được áp dụng trong lĩnh vực pháp luật liên quan của quốc gia thành
viên đó.
Công ước loại trừ sự đau đớn hay khổ sở gây ra một cách
ngẫu nhiên hoặc sẵn có, không thể tránh khỏi bởi các hình phạt được pháp luật
của quốc gia thành viên quy định. Tuỳ theo pháp luật của các nước khác nhau sự
quy định này là khác nhau. Nhưng nhìn chung, trong một số trường hợp, để ngăn
chặn một hành vi phạm tội, ngăn chặn người phạm tội bỏ trốn... pháp luật cho
phép người có thẩm quyền được sử dụng vũ lực ở một mức độ nhất định để thực thi
nhiệm vụ của mình. Do đó, việc áp dụng một số hình phạt được pháp luật các quốc
gia cho phép như hình phạt tử hình, hình phạt roi… không bị coi là hành vi tra
tấn.
Tựu
chung lại, những hành vi gây ra đau đớn chỉ được coi là tra tấn khi nó được thực
hiện với mục đích nhất định với thẩm quyền nhất định. Như vậy nếu có một vụ
ẩu đả, đánh đập diễn ra trên đường phố chẳng hạn thì dù có thể nạn nhân bị
thương tích, bị xâm hại nhưng những người thực hiện hành vi đó không theo bất kỳ
một mệnh lệnh, hay dưới quyền lực của chính quyền, quân đội hay tư pháp thì đó
không phải là tra tấn. Trái lại nếu một nhóm người thuộc lực lượng có thẩm quyền
thực hiện hành vi như trên thì đó là tra tấn. Điểm khác biệt chính giữa một
hành vi dã man đơn thuần với một hành vi tra tấn đó là ở hành vi đó được thực
hiện theo một thẩm quyền và với một mục đích nhất định.
Tra tấn phải được thực hiện cố ý,
trái ý muốn nạn nhân và khi nạn nhân trong tình trạng không thể tự
vệ được. Như vậy trong các trường hợp những sự đau đớn nghiêm trọng
được thực hiện một cách vô ý như A vô tình làm bị thương B; A cố tình
làm B bị thương và B đồng ý để cho A làm bị thương mình; và trong cả
trường hợp dù B không muốn A làm mình bị thương nhưng B đã có thể
chống trả và tự vệ ngăn chặn lại hành vi của A thì tất cả các
trường hợp này không phải là tra tấn.Trên thực tế tra tấn không thể
xảy ra nếu không tước bỏ quyền tự chủ của nạn nhân trong quá trình
tra tấn. Tra tấn được thực hiện với mục đích tê liệt ý chí của nạn.
Ít nhất người thực hiện hành vi tra tấn sẽ cố ý thực hiện việc
kiểm soát đối với cơ thể và các giác quan của nạn nhân (cụ thể là việc
gây ra sự đau đớn). Qua đó cơ thể của
nạn nhân không còn là của nạn nhân, thay vào đó trở thành công cụ
của người tra tấn.
Cần phải phân biệt
tra tấn với cưỡng ép. Trong trường hợp cưỡng ép, thì người bị cưỡng
ép bị bắt phải làm những việc mình không muốn. Điều này có điểm
giống với tra tấn ở chỗ lấy đi sự kiểm soát hành động và ra quyết
định của nạn nhân, ví dụ trong trường hợp một vụ cướp tài sản, một
người miễn cưỡng phải đưa tài sản khi bị kẻ cướp đe dọa xâm hại
tính mạng. Trong ví dụ này, cưỡng ép không bắt buộc phải có yếu tố
gây ra đau đớn nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần, do vậy nó không
phải là tra tấn. Và trong trường hợp cưỡng ép có sử dụng vũ lực
ví dụ như công an sử dụng dụng cụ sốc điện để trấn áp đám đông
biểu tình thì đây cũng không phải là tra tấn, nếu những người biểu
tình không nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát,
và họ có thể tự vệ được. Tuy nhiên, tra tấn vẫn có sự liên quan đến
cưỡng ép trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi người thực hiện hành
vi tra tấn muốn tìm kiếm thông tin từ nạn nhân.
Bên
cạnh đó, theo khoản 2 Điều 1 Công ước Chống tra tấn, các quốc gia thành viên
được khuyến khích đưa ra định nghĩa về hành vi tra tấn rộng hơn (khoản 2 Điều 1
Công ước) định nghĩa được nêu tại Điều 1 Công ước trong pháp luật quốc gia hoặc
các thỏa thuận quốc tế khác.
2. Về nghĩa vụ nghiêm cấm các hành vi
tra tấn
a)
Về áp dụng các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác
Điều
2 của Công ước quy định:
“1. Các quốc gia thành viên phải thực hiện
những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc những biện pháp hữu hiệu
khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên toàn bộ lãnh thổ thuộc phạm vi quyền
tài phán quốc gia.
2. Không trường hợp ngoại lệ nào có thể được
viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn, kể cả tình trạng chiến tranh hoặc có
nguy cơ chiến tranh, sự bất ổn định về chính trị trong nước hoặc các tình trạng
khẩn cấp khác.
3. Mệnh lệnh của sĩ quan cao cấp hoặc một cơ
quan công quyền cũng không thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn.”
Theo
quy định này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tiến hành đồng bộ các
biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn
hành vi tra tấn trên phạm vi lãnh thổ thuộc quyền tài phán quốc gia một cách
tuyệt đối.
-
Về biện pháp lập pháp: Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ
phải ghi nhận bằng pháp luật quyền không bị tra tấn của mọi công dân; nghiêm
cấm hành vi tra tấn và phải quy định tra tấn là một tội phạm, bị xét xử với chế
tài nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn ngừa hành vi tra tấn, bảo vệ tính mạng, danh
dự và nhân phẩm của con người; đồng thời, ban hành mới hoặc chỉnh sửa các quy
định hiện hành để các quy định pháp luật nội dung và tố tụng (hình thức) của
quốc gia đều đảm bảo quyền không bị tra tấn cho tất cả mọi người trên lãnh thổ
quốc gia.
-
Về biện pháp hành pháp: Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm
và tôn trọng quyền không bị tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo
hoặc hạ thấp nhân phẩm của mọi công dân, trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc xây
dựng các quy chuẩn đạo đức, nghề nghiệp cho các cán bộ, viên chức; đẩy mạnh
tuyên truyền, giáo dục cho các quan chức thực thi pháp luật để triệt tiêu các
vi phạm pháp luật của các nhân viên công quyền nói chung và nhân viên hành pháp
nói riêng.
-
Về biện pháp tư pháp: Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải bảo đảm
thực hiện quyền không bị tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo
hoặc hạ thấp nhân phẩm của công dân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử
và thi hành án. Đây là những hoạt động có nhiều nguy cơ xảy ra hành vi tra tấn
đối với bị can, bị cáo; người bị tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành án
phạt tù. Do đó, các hoạt động tư pháp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của
pháp luật để bảo đảm yêu cầu của Công ước; cùng đó, phải có hệ thống giám sát
hiệu quả để đảm bảo tính khách quan, chính xác và kịp thời của các hoạt động tư
pháp, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của
người dân.
-
Các biện pháp khác: Công ước không quy định thế nào là các biện pháp khác nhưng
có thể hiểu đây là nhóm biện pháp bao gồm phát triển kinh tế xã hội, cải cách
hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện các chiến lược chăm sóc y tế, cải cách
giáo dục, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật... có vai trò quan trọng hỗ
trợ cho các biện pháp hành chính, tư pháp trong việc ngăn chặn các hoạt động
tra tấn và góp phần không nhỏ trong loại bỏ hoàn toàn tra tấn thông qua việc
nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo
quy định Công ước, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối trong mọi trường hợp. Khoản
2 Điều 2 Công ước khẳng định rằng, không có bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào,
kể cả trong trường hợp một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh hoặc có
nguy cơ chiến tranh, hoặc có sự bất ổn định về chính trị nội bộ hoặc bất cứ
tình trạng khẩn cấp chung nào có thể biện hộ cho hành động tra tấn. Lịch sử thế
giới đã ghi nhận trong các cuộc chiến tranh, nhiều chính quyền quốc gia, để có
được các thông tin tình báo hoặc thông tin khác liên quan đến hoạt động của đối
phương, thường áp dụng các biện pháp tra tấn đối với tù binh hoặc thường dân.
Các chính quyền này cũng biện hộ rằng việc tra tấn này là nhằm có được thông
tin để ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Tuy nhiên, những biện
hộ như vậy là trái với quy định tại khoản 2 Điều 2 Công ước và đi ngược lại mục đích của Công ước là loại
bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống nhân loại.
Bên
cạnh đó, Công ước cũng quy định không được viện dẫn mệnh lệnh của một sĩ quan
cao cấp hoặc một cơ quan công quyền để biện minh cho hành vi tra tấn (khoản 3
Điều 2), quy định này có thể được hiểu như sau:
-
Bất kỳ một sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền nào đều không có quyền ra mệnh lệnh trừng phạt hay đối xử tàn
bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người;
-
Mọi mệnh lệnh, yêu cầu (nếu có) của sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công
quyền về việc tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con
người đều không có hiệu lực thi hành;
-
Không được chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu (nếu có) của sĩ quan, quan chức, hoặc
nhân viên công quyền để tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ
nhục con người;
-
Mọi hành động tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con
người do chấp hành mệnh lệnh, chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên một cách mù quáng
đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Không thể dùng mệnh lệnh, chỉ đạo của
cấp trên để biện minh cho hành động tra tấn.
b)
Nghĩa vụ hình sự hóa hành vi tra tấn
Nhằm
mục đích nghiêm cấm triệt để các hành vi tra tấn, Công ước quy định nghĩa vụ
của các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi này để có thể áp dụng
những hình phạt thích đáng, nhằm trừng phạt và răn đe những người thực hiện
hành vi tra tấn. Nội dung này được quy định tại Điều 4 như sau:
“1. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng
mọi hành vi tra tấn đều là tội phạm theo pháp luật hình sự của nước đó. Quy
định này cũng phải áp dụng đối với những hành vi chuẩn bị thực hiện việc tra
tấn và hành vi đồng phạm hoặc tham gia vào việc tra tấn.
2. Các quốc gia thành viên phải trừng trị
những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất
nghiêm trọng của hành vi”.
Điều này yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm
rằng mọi hành vi tra tấn đều bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình
sự với khung hình phạt nghiêm khắc. Theo đó, bất kỳ nhân viên công quyền hoặc
người không phải là nhân viên công quyền nhưng được sự đồng ý hay chấp thuận
của một nhân viên công quyền hoặc một người khác có quyền lực như một nhân viên
công quyền trong khi thực thi công vụ mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây đau đớn
về thể xác hoặc tinh thần cho người khác với mục đích để lấy thông tin, trừng
phạt, gây hoảng sợ, cưỡng bức hoặc vì lý do phân biệt đối xử đều trở thành chủ
thể của hành vi tra tấn và đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với quy định
này, Công ước yêu cầu phạm vi hình sự hoá tương đối rộng, không chỉ hạn chế
trong phạm vi hoạt động tố tụng hình sự mà về lý thuyết, hành vi tra tấn có thể
xảy ra trong tất cả hoạt động có mang tính thực thi công quyền.
c) Quyền
tài phán
Theo
nghĩa rộng, quyền tài phán của một quốc gia được hiểu là quyền riêng biệt của
quốc gia đó trong việc ban hành các quy định pháp luật và thực thi các quy định
pháp luật đó.[5]
Điều
5 của Công ước quy định các quốc gia cần phải có cơ chế để bảo đảm việc xét xử
các tội phạm về tra tấn sẽ được thực hiện trong phạm vi rộng nhất có thể, cụ
thể như sau:
“1. Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện
những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những
tội phạm quy định tại Điều 4 trong những trường hợp sau đây:
a) Khi tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ
thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia hoặc trên tàu bay hoặc tàu thuyền đã đăng
ký ở quốc gia đó;
b) Khi người bị tình nghi phạm tội là công
dân của quốc gia đó;
c) Khi nạn nhân là công
dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy phù hợp.
2. Mỗi quốc gia thành viên cũng phải thực
hiện những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với
những tội phạm nêu trên trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có
mặt trên bất cứ vùng lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán của quốc gia và
không thực hiện việc dẫn độ người này theo quy định tại Điều 8 đến bất kỳ quốc
gia nào được quy định trong khoản 1 của Điều này.
3. Công ước này không loại trừ các quyền tài
phán hình sự được thực thi/áp dụng theo pháp luật quốc gia”.
Theo quy định nói trên, các quốc gia có hai sự lựa chọn
là: (i) thiết lập quyền tài phán trên cơ sở quy định của Công ước; hoặc (ii) áp
dụng theo pháp luật quốc gia. Trong 166 quốc gia thành viên của Công ước tính
đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia đều quy định về quyền tài phán
theo như quy định tại Điều 5 Công ước (Việt Nam cũng nằm trong số này). Tuy
vậy, việc xác lập quyền tài phán của các quốc gia khác nhau có thể khác nhau.
Một số quốc gia khi tham gia Công ước đã đưa ra tuyên bố riêng của mình về việc
thiết lập quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn. Chẳng hạn, khi gia nhập Công
ước vào ngày 02/10/2007, Vương quốc Thái Lan đưa ra tuyên bố như sau: “… thẩm quyền quy định nêu tại Điều 5 của
Công ước sẽ được thiết lập phù hợp với Bộ luật hình sự hiện hành. Vương quốc
Thái Lan sẽ xem xét lại nội luật của mình cho phù hợp hơn với Điều 5 Công ước
trong thời gian sớm nhất.”
Cũng
cần phải lưu ý rằng, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối. Do đó, hiện nay, thế
giới đang công nhận tra tấn là một tội phạm thuộc phạm vi tài phán phổ quát,
nghĩa là tòa án quốc gia có thể điều tra và truy tố một người bị nghi phạm tội
tra tấn, không tính đến quốc tịch của bị cáo hoặc của nạn nhân hoặc đòi hỏi bất
kỳ mối liên hệ nào với quốc gia nơi đặt tòa án.[6] Thẩm quyền phổ quát thường được mô tả như
khả năng truy tố người có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia về tội phạm thực
hiện bên ngoài lãnh thổ của quốc gia đó mà không có mối liên hệ với quốc gia đó
về quốc tịch của người bị tình nghi hoặc của người bị hại hoặc bởi việc gây
nguy hại cho lợi ích của quốc gia đó. Công ước Chống tra tấn là điều ước quốc
tế đầu tiên quy định về quyền tài phán phổ quát đối với các tội phạm tra tấn
ngoài phạm vi của một cuộc xung đột vũ trang. Quy định này được xây dựng trên
cơ sở các quy định pháp luật quốc tế trước đó về chống bắt cóc máy bay, bắt con
tin, và bảo vệ viên chức ngoại giao.
d)
Nghĩa vụ không trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ
Bên
cạnh việc quy định các quốc gia thành viên phải ngăn chặn không cho hành vi tra
tấn xảy ra trên lãnh thổ quốc gia mình, Điều 3 của Công ước cũng đồng thời yêu
cầu các quốc gia phải ngăn ngừa khả năng hành vi này sẽ được thực hiện đối với
những người bị trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ từ quốc gia mình, cụ thể là:
“1. Các quốc gia thành viên không được trục
xuất, trao trả hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác nếu có đủ căn cứ để
cho rằng người này có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia đó.
2. Để xác định có hay không tồn tại các căn
cứ trên, các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao
gồm cả, tình trạng xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo,
thường xuyên hoặc trên diện rộng ở quốc gia có liên quan, nếu có thể.”
Theo
quy định nói trên, quốc gia thành viên không được trục xuất, dẫn độ, trao trả
(gọi chung là trao trả) một người trở lại một nước mà ở đó người bị trao trả có
nguy cơ bị tra tấn. Điều giới hạn này chỉ áp dụng trong trường hợp có cơ sở
chắc chắn để tin rằng người bị trao trả có thể bị nguy hiểm do nguy cơ bị tra
tấn. Trong đó:
"Trục
xuất" là việc một quốc gia buộc một người nước ngoài đang hiện diện trên
lãnh thổ của mình phải rời khỏi lãnh thổ quốc gia trái với mong muốn của họ.[7]
“Trao
trả” được hiểu là hành động mang tính cưỡng chế của nhà nước nhằm từ chối chấp
nhận sự hiện diện của một người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia của mình
(không cho phép nhập cảnh).[8]
“Dẫn
độ” là hành vi cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia trao người cho cơ quan có
thẩm quyền của quốc gia khác nhằm mục đích xét xử hoặc thi hành án. Điểm khác
nhau giữa dẫn độ và trục xuất là người bị trục xuất không bị trao cho cơ quan
có thẩm quyền của nước khác và về nguyên tắc, người bị trục xuất có thể chọn
quốc gia đến.
Bản chất của nguyên tắc "không trao trả" thể
hiện trong Điều 3 Công ước Chống tra tấn là một trong những biện pháp để ngăn
ngừa tra tấn: quốc gia không những không được phép tra tấn công dân hoặc những
người dưới quyền tài phán của mình, mà còn không được phép buộc những người
nước ngoài phải trở về hoặc tới một quốc gia khác, nếu người đó có nguy cơ bị
tra tấn tại quốc gia đó.
Quy
định “không trao trả” tại Điều 3 Công ước Chống tra tấn có tính chất tuyệt đối,
giống như quy phạm về chống tra tấn, bởi vì: ngôn ngữ của Điều 3 Công ước không
cho phép sự lựa chọn nào, không hoàn cảnh đặc biệt nào, dù là chiến tranh, rối
loạn chính trị trong nước hay tình trạng khẩn cấp công cộng, có thể biện minh
cho hành vi tra tấn, thậm chí quy định này còn cấm dẫn độ tới một nước mà từ đó
người có liên quan có thể bị dẫn độ tới nước thứ ba có nguy cơ tra tấn.
Công
ước không đưa ra khái niệm, chỉ dẫn thế nào được coi là căn cứ xác thực để tin
rằng người đó sẽ bị tra tấn mà áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, nếu lý do
đó có sức thuyết phục hoặc có căn cứ để cho rằng ở nước đó có sự tồn tại việc
xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo.
3. Về trừng trị các hành vi tra tấn
a) Hoặc dẫn độ, hoặc truy tố
Nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố” (“aut
dedere, aut judicare”) là một nguyên tắc phổ biến trong pháp luật quốc tế được
sử dụng nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Theo nguyên tắc này, một quốc gia sẽ phải
truy tố người đã thực hiện hành vi tội phạm nghiêm trọng nếu như không dẫn độ
người này đến một quốc gia khác. Nguyên tắc này cũng đã được quy định tại các
khoản 1 và 2 Điều 6 của Công ước như sau:
“1.
Khi người bị tình nghi thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4 có mặt trên lãnh
thổ của một quốc gia thành viên, sau khi kiểm tra thông tin về vụ việc và xét
thấy cần thiết, quốc gia thành viên đó phải bắt giữ hoặc thực hiện những biện
pháp hợp pháp khác cần thiết để đảm bảo sự có mặt của người này. Việc bắt giữ
và các biện pháp hợp pháp khác phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ
được thực hiện trong thời hạn cần thiết để tiến hành các thủ tục tố tụng hình
sự hoặc dẫn độ.
2.
Quốc gia đó phải tiến hành ngay hoạt động điều tra sơ bộ về sự việc”.
Như vậy, quy định này yêu
cầu các quốc gia thành viên khi có căn cứ cho rằng một người thực hiện hoặc có
liên quan tới bất kỳ hành vi/tội phạm theo quy định của bất kỳ quốc gia thành
viên nào, hiện đang có mặt ở trên lãnh thổ của mình thì phải tiến hành bắt giữ
và thực hiện các biện pháp cần thiết khác như các biện pháp ngăn chặn, các biện
pháp điều tra theo quy định của pháp luật nước mình.
Tuy nhiên, khoản 3 và 4 Điều 6 cũng quy định
những biện pháp bảo đảm quyền của người bị bắt giữ, tránh trường hợp quốc gia
mà họ đang hiện diện lạm dụng quyền hạn của mình:
“3.
Người bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được hỗ trợ để liên hệ
ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công
dân, hoặc trong trường hợp người đó là người không quốc tịch thì liên hệ với
đại diện của quốc gia mà người đó thường trú.
4.
Khi quốc gia thành viên bắt giữ một người theo quy định của Điều này thì phải
thông báo ngay cho các quốc gia liên quan quy định tại khoản 1 Điều 5 về việc
bắt giữ cũng như những căn cứ của việc bắt giữ đó. Quốc gia thành viên đã tiến
hành điều tra sơ bộ theo quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo ngay kết
quả điều tra cho các quốc gia đã nêu trên và xác định rõ việc quốc gia đó có dự
định thực thi quyền tài phán hay không”.
Theo các quy định này, quốc gia nơi thực hiện
việc bắt, tạm giữ, tạm giam, tiến hành thẩm vấn (hỏi cung, lấy lời khai) người
thực hiện hành vi tra tấn và có nghĩa vụ thông báo cho quốc gia mà người đó là
công dân hoặc nơi người đó thường trú cuối cùng (trong trường hợp người đó là
người không quốc tịch hoặc người nhiều quốc tịch) biết. Trong thông báo phải
nêu rõ về biện pháp áp dụng đối với người đó và hành vi phạm tội mà người đó đã
thực hiện. Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành biện pháp pháp lý nào thì phải
nêu rõ căn cứ, lý do áp dụng biện pháp đó và thông báo kết quả thẩm vấn cho
quốc gia có liên quan nói trên. Đồng thời, quốc gia thực hiện việc bắt giữ có
nghĩa vụ thông báo cho quốc gia mà người đó là công dân về thẩm quyền giải
quyết vụ án của mình.
Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của quốc
gia đã thực hiện việc bắt giữ thì quốc gia đó tiếp tục giải quyết theo quy định
của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết
của các cơ quan có thẩm quyền thì giải quyết bằng điều ước quốc tế, thông lệ
quốc tế hoặc con đường ngoại giao.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu người đó
bị áp dụng các biện pháp giam giữ thì phải được quốc gia thực hiện biện pháp
giam giữ đó giúp đỡ để liên lạc ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của
nước mà người đó là công dân, hoặc nếu người đó là người không quốc tịch hoặc
nhiều quốc tịch thì được liên lạc với đại diện của nước mà người đó thường
xuyên cư trú.
b) Dẫn độ
Điều 8 của Công ước quy định trách nhiệm của các
quốc gia thành viên cần phải quy định hành vi tra tấn là một hành vi tội phạm
hình sự và cần phải coi đó là một tội trong các tội được dẫn độ. Điều này có
thể được quy định trong pháp luật quốc gia hoặc trong các điều ước quốc tế song
phương về dẫn độ giữa các thành viên của Công ước, cụ thể như sau:
“1.
Những tội phạm được quy định tại Điều 4 phải được coi là những tội phạm có thể
bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ đã được ký kết giữa các quốc gia thành
viên. Các quốc gia thành viên cam kết quy định những tội phạm này là tội phạm
có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ sẽ được ký kết.
2.
Nếu một quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế nhận
được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác mà giữa hai quốc gia không
có hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý để dẫn độ
đối với các tội phạm đó. Việc dẫn độ phải tuân thủ các điều kiện khác do pháp
luật của quốc gia được yêu cầu quy định.
3.
Các quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ không trên cơ sở điều ước quốc tế phải
công nhận các tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ và tuân theo những điều
kiện do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định.
4.
Vì mục đích dẫn độ giữa các quốc gia thành viên, các tội phạm này sẽ bị xử lý
như là chúng được thực hiện không những tại nơi xảy ra tội phạm mà còn tại lãnh
thổ của các quốc gia được yêu cầu thiết lập quyền tài phán theo khoản 1 Điều
5”.
Trong trường hợp giữa hai
thành viên Công ước chưa ký kết hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước là
cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ (khoản 2). Trong trường hợp này, việc thực
hiện dẫn độ vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia. Với quy định như vậy, Công ước đề cao vai
trò hợp tác giữa các thành viên của Công ước trong việc truy tố, xét xử đối với
tội này thông qua hoạt động dẫn độ. Quy định này nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý
trong trường hợp các thành viên quy định việc dẫn độ phải dựa trên một điều ước
quốc tế đã ký kết giữa các quốc gia với nhau.
Tuy nhiên, nếu nội luật của thành viên Công ước
nào không đặt điều kiện việc dẫn độ phải dựa trên cơ sở điều ước quốc tế đã ký
kết thì các thành viên cũng phải chấp nhận hành vi tra tấn phải là một hành vi
cấu thành tội phạm hình sự sẽ bị dẫn độ và thực hiện việc dẫn độ theo quy định
nội luật của thành viên đó (khoản 3 Điều 7).
Trong trường hợp tội phạm tra tấn đó xảy ra trên
lãnh thổ của nhiều thành viên khác nhau thì các quốc gia phải cam kết những tội
phạm đó chắc chắn phải bị xử lý.
c) Truy tố
Trường hợp quốc gia thành viên không thực hiện
dẫn độ thì theo nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố”, quốc gia thành viên
phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn bị phát hiện:
“1.
Quốc gia thành viên phát hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc
gia một người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4, sẽ theo
những trường hợp quy định tại Điều 5, nếu không dẫn độ người đó, phải chuyển vụ
việc cho các cơ quan có thẩm quyền để truy tố.
2.
Các cơ quan có thẩm quyền phải ra các quyết định với cùng cách thức như trong
vụ án phạm tội thông thường có tính chất nghiêm trọng theo pháp luật quốc gia.
Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5, yêu cầu về các chứng cứ cần
thiết cho việc truy tố và kết án cũng phải chặt chẽ như với các trường hợp quy
định tại khoản 1 Điều 5.
3.
Những người có liên quan đến bất kỳ tội phạm nào được quy định tại Điều 4 phải
được đảm bảo đối xử công bằng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tiến
hành tố tụng”.
Theo quy định này, các quốc gia thành viên có
trách nhiệm đặc biệt phải tiến hành các biện pháp hiệu quả và cần thiết về mặt
lập pháp và hành pháp để đưa người phạm tội tra tấn ra trước công lý. Người
nước ngoài phạm tội tra tấn có thể thuộc một trong những trường hợp sau:
- Người đó là nhân viên công quyền nước ngoài
thực hiện hành vi tra tấn (đối với công dân quốc gia đó hoặc công dân của quốc
gia khác) trên lãnh thổ quốc gia phát hiện người đó;
- Người đó thực hiện hành vi tra tấn trên lãnh
thổ nước ngoài nhưng bỏ trốn đến quốc gia phát hiện và bị bắt giữ. Người phạm
tội này có thể là công dân của quốc gia phát hiện, cũng có thể là công dân của
quốc gia nơi tội phạm được thực hiện hoặc một nước thứ ba.
Trong những trường hợp như vậy, quốc gia phát
hiện người phạm tội tiến hành ngay việc bắt, giam giữ theo quy định của pháp
luật nước mình và tuỳ từng trường hợp có thể thực hiện quyền tài phán của mình
hoặc dẫn độ người đó cho quốc gia yêu cầu để quốc gia này thực hiện việc xét
xử, hoặc thi hành án.
Trường hợp quốc gia thành viên không tiến hành
trao trả, chuyển giao hoặc dẫn độ thì các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó
có trách nhiệm phải tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đưa người có hành vi
tra tấn ra xét xử theo pháp luật tố tụng của. Khoản 2 Điều 7 quy định, trong
trường hợp không dẫn độ mà tiến hành tố tụng theo thẩm quyền của quốc gia mình,
việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm này phải bảo đảm
đúng trình tự tố tụng, phán quyết phải công bằng, công minh như những tội phạm
khác.
Khoản 3 Điều 7 đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc
đối xử công bằng trong toàn bộ quá trình tố tụng. Nguyên tắc này nhắc lại các
nguyên tắc trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Công ước ICCPR.
Theo đó, Điều 5 và 7 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền quy định tất cả mọi
người đều sinh ra tự do và bình đẳng; không ai có thể bị tra tấn hoặc nhục
hình, bị đối xử hoặc hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo; tất cả mọi người đều có quyền
bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ và đối xử một cách bình đẳng
và không thiên vị.[9]
Tương tự, Điều 7 Công ước ICCPR quy định không
ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân
đạo hoặc nhục hình; Điều 10 (1) nhấn mạnh rằng những người bị tước tự do phải
được đối xử nhân đạo và được tôn trọng nhân phẩm vốn có của mình; và Điều 14
(1) quy định: “Tất cả mọi người đếu bình đẳng trước các toà án và các cơ quan
tài phán. Bất kỳ người nào đều có quyền được xét xử bởi một toà án có thẩm
quyền, độc lập, không thiên vị”, hay nói cách khác là khẳng định địa vị pháp lý
được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
d) Tương trợ tư pháp về hình sự
Điều 9 của Công ước quy định nghĩa vụ của các
quốc gia thành viên cung cấp tương trợ tư pháp trong phạm vi rộng nhất có thể
để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm này, cụ thể như
sau:
“1.
Các quốc gia thành viên phải hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong quá trình tiến hành
các thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm quy định tại Điều 4, kể cả
việc cung cấp tất cả những chứng cứ cần thiết cho hoạt động tố tụng đã được
quốc gia phát hiện.
2. Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện nghĩa vụ quy định
tại khoản 1 của Điều này phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp được ký
kết giữa các quốc gia”.
Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự được
hiểu là việc các quốc gia yêu cầu hỗ trợ hoặc cung cấp sự hỗ trợ cho một quốc
gia khác trong việc tống đạt các giấy tờ pháp lý, thu thập chứng cứ trong quá
trình tố tụng.[10]
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, vấn đề hợp
tác quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong phòng, chống
tội phạm. Đối với hành vi tra tấn, Công ước nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác quốc
tế và tương trợ tư pháp trong hoạt động phòng ngừa và trừng trị hành vi tra tấn
là trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc hoàn thiện các trình tự
pháp lý và thủ tục tố tụng hình sự về tội tra tấn. Nguyên tắc hợp tác quốc tế
đòi hỏi việc thúc đẩy và thực thi thẩm quyền pháp lý chung phải bảo đảm đúng và
đầy đủ các bước trong hoạt động tố tụng hình sự được áp dụng đối với tội phạm
này. Tương trợ tư pháp trong quá trình tố tụng đối với tội phạm tra tấn phải
được thực hiện trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành
án, trong đó, việc cung cấp bằng chứng cần thiết cho tố tụng là hết sức quan
trọng. Tương trợ tư pháp - theo Công ước - là nghĩa vụ và trách nhiệm của các
thành viên. Công ước không đưa ra trình tự phải hợp tác như thế nào mà cho phép
các thành viên thực hiện nghĩa vụ này thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp
được ký kết giữa các nước.
e) Nghĩa vụ tiến hành điều
tra khi cho rằng có hành vi tra tấn được thực hiện
Điều 12 của Công ước quy định: “Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các
cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra kịp thời và công bằng khi có căn cứ
xác đáng để tin rằng hành vi tra tấn đã được thực hiện trên lãnh thổ thuộc phạm
vi quyền tài phán quốc gia” nhằm yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành
điều tra nhằm xác định có hay không xảy ra hành vi tra tấn được thực hiện trên
lãnh thổ của mình.
Nội dung này đã được nhắc lại trong “Các nguyên
tắc về điều tra và tập hợp tư liệu hiệu quả về tra tấn và các hình thức đối xử,
trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hay hạ nhục con người” được Đại hội đồng Liên
hợp quốc thông qua năm 2000. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ phải tiến hành
các hoạt động điều tra nhanh chóng, không thiên vị và có hiệu quả khi có cơ sở hợp lý để tin rằng hành động tra
tấn và việc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người xảy ra trong lãnh thổ
của mình. Cùng đó, việc điều tra phải bảo đảm được tính “nhanh chóng” và “vô
tư, không thiên vị”. Đây là hai đặc điểm rất quan trọng đối với các cuộc điều
tra liên quan đến hành vi tra tấn, trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo bởi
vì hành vi tra tấn thường gây nên những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn
tinh thần cho nạn nhân nên càng cần phải chấm dứt sớm.
4. Về phòng ngừa các hành vi tra tấn
a) Nghĩa vụ tuyên truyền chống tra tấn
Đảm bảo về giáo dục và thông tin đầy đủ đối với
việc ngăn cấm tra tấn bao gồm cả việc đào tạo đội ngũ nhân viên thực thi pháp
luật, dân sự hoặc quân sự, các nhân viên y tế, các quan chức nhà nước và những
người khác có thể tham gia vào việc giam giữ, thẩm vấn và tiếp xúc với các cá
nhân bị tước tự do dưới mọi hình thức là một phương thức hiệu quả, lâu dài để
phòng, chống tra tấn và dần đi đến loại bỏ hành vi này. Theo Điều 10 Công ước Chống tra tấn, các thành viên phải đưa quy định cấm tra tấn vào nguyên tắc, chỉ
dẫn về nhiệm vụ và chức năng của những người này, cụ thể là:
“1. Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng việc nghiêm cấm
hành vi tra tấn phải được phổ biến và tuyên truyền đầy đủ trong các chương
trình đào tạo nhân viên thực thi pháp luật, dân sự hoặc vũ trang, nhân viên y
tế, các nhân viên công quyền và những người khác có thể liên quan đến việc bắt
giữ, thẩm vấn hay xử lý đối với các cá nhân chịu bất cứ hình thức bắt, giam giữ
hoặc phạt tù nào.
2.
Mỗi quốc gia thành viên phải đưa lệnh cấm này vào các quy tắc hoặc hướng dẫn về
chức năng và nhiệm vụ của những người nêu trên”.
Điều khoản này khẳng định các quốc gia thành
viên phải bảo đảm giáo dục, tuyên truyền đến tất cả các cá nhân, tổ chức về bảo
vệ và đối xử nhân đạo đối với tù nhân. Đối tượng được giáo dục, tuyên truyền
không chỉ bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật, mà còn bao gồm tất cả các cán
bộ liên quan trong quá trình tố tụng hình sự, những người chịu trách nhiệm đối
với những người bị giam giữ hành chính và các hình thức bị tước tự do khác.
Những đối tượng này là những người có vai trò quyết định quan trọng đến việc có
hay không xảy ra hành vi tra tấn trong thực tiễn. Nếu công tác giáo dục tuyên
truyền có hiệu quả, bản thân họ có nhận thức đầy đủ về hành vi tra tấn và hậu
quả của nó thì trong quá trình thi hành nhiệm vụ họ sẽ có ý thức chấp hành
nghiêm chỉnh các quy định về chống tra tấn... Chẳng hạn như, nhân viên y tế tại
cơ sở giam giữ một mặt phải có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho những người bị
giam giữ, mặt khác trong quá trình làm việc họ có thể phải đối mặt đối với
những nạn nhân bị tra tấn. Trong những trường hợp như vậy, nhân viên y tế cần
phải có sự công tâm của người thầy thuốc trong việc chăm sóc các tổn thương thể
chất, tinh thần của bệnh nhân và khả năng phát hiện ra các dấu vết làm cơ sở,
chứng cứ quan trọng cho việc truy tố hành vi tra tấn của người vi phạm nếu có.
Khoản 2 Điều này yêu cầu quốc gia thành viên
phải đưa ngay việc cấm hành vi tra tấn vào trong các quy tắc hay chỉ dẫn liên
quan tới nhiệm vụ và chức năng của cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên dân sự,
quân sự, y tế, nhân viên công quyền, những người có thể tham gia vào việc giam
giữ, thẩm vấn hoặc đối xử khác với bất kỳ một cá nhân đang bị bắt giữ, giam cầm
theo bất kỳ hình thức nào. Đây được coi là nghĩa vụ bắt buộc và đặc biệt quan
trọng, để họ ý thức đầy đủ về trách nhiệm và chấp hành nghiêm chỉnh trong quá
trình thực thi nhiệm vụ.
b) Bảo đảm quyền của người bị bắt, giam giữ
Một trong những biện pháp cơ bản nhất để phòng
ngừa hành vi tra tấn chính là việc bảo đảm cho người bị bắt, giam giữ được tôn
trọng các quyền hợp pháp của mình. Điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 11 của
Công ước, cụ thể như sau:
“Nhằm
ngăn chặn các hành vi tra tấn, mỗi quốc gia thành viên phải quy định một cách
có hệ thống những nguyên tắc, chỉ thị, phương pháp và thông lệ cũng như việc bố
trí giam giữ và đối xử với những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam hay phạt tù
trong lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán quốc gia”.
Theo quy định của Điều 11, quốc gia thành viên
cần phải xem xét,
đảm bảo thực thi hiệu quả một cách hệ thống các
quy tắc, hướng dẫn và biện pháp thẩm vấn (hỏi cung, lấy lời khai), cũng như
việc bố trí giam giữ và đối xử với những người tước tự do dưới bất kỳ hình thức
nào (bắt giữ, tạm giam, phạt tù…) trong lãnh thổ thuộc
thẩm quyền tài phán của mình nhằm ngăn chặn sự tra tấn cũng như các hình thức
đối xử tàn tệ, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm hoặc trừng phạt khác.
Liên hợp quốc có nhiều nguyên tắc và chuẩn mực liên quan đến đối xử
với người bị giam giữ. Các nguyên tắc và chuẩn mực này là hướng dẫn cho các
quốc gia thành viên Công ước Chống tra tấn trong nghiêm cấm và phòng ngừa tra
tấn. Do đó, các quốc gia thành viên Công ước Chống tra tấn được yêu cầu phải
đảm bảo các nguyên tắc, chuẩn mực này, trong đó có Các nguyên tắc mang tính
chuẩn mực tối thiểu đối với tù nhân (1957, 1977), Nguyên tắc cơ bản trong đối
xử với tù nhân (1988), Các nguyên tắc của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ người
chưa thành niên bị tước tự do (1990), Các nguyên tắc về y đức liên quan đến vai
trò của nhân viên y tế, đặc biệt là thầy thuốc trong bảo vệ tù nhân và những người
bị giam giữ khỏi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ
nhục con người (1982), Bộ quy tắc ứng xử của nhân viên thực thi pháp luật
(1979), Việc sử dụng vũ lực và vũ khí cầm tay của nhân viên thực thi pháp luật
(1990), Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (1990), Các nguyên tắc
chuẩn mực tối thiểu của Liên hợp quốc về các biện pháp phi giam giữ (Nguyên tắc
Tokyo, 1990), Nguyên tắc chuẩn mực tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp cho
người chưa thành niên (Nguyên tắc Bắc Kinh, 1990). Theo các nguyên tắc và chuẩn
mực này, tất cả những người bị giam giữ sẽ được tôn trọng đối xử đúng giá trị
và nhân phẩm vốn có của họ; ngoài việc
bị giam giữ - thể hiện sự giới hạn quyền tự do thân thể, tất cả các tù nhân
phải được duy trì quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác được nêu trong
bản Tuyên bố chung về nhân quyền và các công ước quốc tế về quyền con người
khác.
c)
Không sử dụng những lời khai là kết quả của hành vi tra tấn
Điều
15 của Công ước quy định: “Quốc gia thành
viên phải bảo đảm rằng những lời khai được xác định là kết quả của hành vi tra
tấn sẽ không được sử dụng làm chứng cứ trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp
lời khai đó được sử dụng làm bằng chứng để chống lại người bị cáo buộc đã có
hành vi tra tấn”.
Đây
là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động chứng minh vụ án hình sự, đòi hỏi mọi
chứng cứ thu thập được phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Những lời
khai của một người thu thập được do bị tra tấn, đe doạ hay cưỡng ép... đều
không được coi là một loại chứng cứ chứng minh vụ án hình sự. Nguyên tắc này
nhằm đảm bảo tính khách quan trong vụ án hình sự cũng như bảo vệ các quyền con
người khỏi các hành động tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Để đảm bảo
nguyên tắc này, các cơ quan, những người có thẩm quyền trong quá trình tiến
hành tố tụng có nghĩa vụ xác định xem những lời khai có được có phải là kết quả
của các hành động tra tấn hay không. Tuy nhiên, Công ước cũng khẳng định những
lời khai đó sẽ có giá trị khi nó là những chứng cứ chứng minh cho việc bị tra tấn.
d)
Nghĩa vụ ngăn chặn các hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc
hạ nhục con người khác
Điều
16 Công ước quy định:
“1. Quốc gia thành viên phải tiến hành ngăn
chặn trong phạm vi lãnh thổ thuộc quyền tài phán quốc gia các hành vi đối xử hoặc
trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác chưa đến mức bị coi
là tra tấn theo khái niệm quy định tại Điều 1, do một nhân viên công quyền hay
một người đang tiến hành công vụ thực hiện hoặc xúi giục hoặc đồng ý hoặc chấp
thuận cho thực hiện. Cụ thể là những nghĩa vụ được quy định tại các điều 10,
11, 12 và 13 sẽ được áp dụng đối với các hành vi tương tự như tra tấn hoặc các
hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
khác.
2. Các quy định của Công ước này không làm
ảnh hưởng đến các quy định về cấm các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo,
vô nhân đạo hay hạ nhục con người hoặc có liên quan đến dẫn độ hay trục xuất
trong văn kiện quốc tế khác hoặc pháp luật quốc gia”.
Điều
luật này được quy định nhằm đảm bảo hơn nữa quyền không bị tra tấn kể cả trong
trường hợp các biện pháp đối xử hoặc trừng phạt có tính chất tra tấn chưa được
bao quát hết trong định nghĩa về “tra tấn” như được ghi nhận tại Điều 1 Công
ước, hoặc những hành động đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo khác chưa
đến mức được gọi là tra tấn như khái niệm đã xác định tại Điều 1, miễn là những
hành động đó được thực hiện bởi, hoặc có sự xúi giục của, hoặc có sự chấp thuận
hoặc đồng ý của một nhân viên công quyền hoặc một người khác đang thực hiện
công vụ. Công ước yêu cầu các thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết
nhằm ngăn chặn các hành động này trên lãnh thổ của mình. Trách nhiệm về đào tạo
cán bộ, thông tin nhanh chóng, các biện pháp ngăn chặn, hỏi cung, thẩm vấn...
quy định trong các điều 10, 11, 12 và 13 Công ước được áp dụng để thay thế cho
thẩm quyền giải quyết việc tra tấn hoặc những hình thức đối xử, trừng phạt phi
nhân tính hoặc hạ nhục khác. Tuy nhiên, Công ước không đưa ra một định nghĩa cụ
thể thế nào là hành vi đối xử, trừng phạt
tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục con ngườ.
5. Về bảo vệ nạn nhân của hành vi tra
tấn
a)
Đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của nạn nhân bị tra tấn
Điều
13 Công ước ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của nạn nhân bị tra tấn này như
sau:
“Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ
cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên bất cứ vùng lãnh thổ thuộc phạm vi
quyền tài phán quốc gia đó đều có quyền khiếu nại và các cơ quan có thẩm quyền
phải xem xét một cách kịp thời và công bằng khiếu nại đó. Đồng thời phải thực
hiện các biện pháp đảm bảo cho người khiếu nại và các nhân chứng được bảo vệ
khỏi sự ngược đãi hoặc đe doạ do việc khiếu nại hoặc cung cấp chứng cứ”.
Theo
quy định nói trên, quyền khiếu nại, tố cáo ở đây gồm 4 nội dung chủ yếu sau:
-
Mọi người đều có quyền được gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền;
-
Các khiếu kiện cần được các cơ quan này xem xét, giải quyết một cách nhanh
chóng, vô tư;
-
Bản thân người khiếu nại và nhân chứng phải được bảo vệ;
-
Nhà nước không được phép ngược đãi hay đe doạ người khiếu nại và nhân chứng.
Thống
nhất với quy định tại Điều 13 Công ước Chống tra tấn, các quy tắc, chuẩn mực
của Liên hợp quốc trong việc đối xử với những người bị tước tự do cũng quy định
về quyền được khiếu nại, tố cáo của các đối tượng này nhằm ngăn ngừa hành vi
tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Chẳng hạn như:
-
Các quy tắc chuẩn mực tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955 khẳng định tù
nhân cần được cung cấp thông tin về các quy định liên quan đến đối xử với tù
nhân, về các biện pháp để tìm kiếm thông tin và gửi khiếu kiện. Văn kiện này
quy định rõ, mỗi tuần một lần, tù nhân được phép gửi đề nghị hoặc khiếu kiện
cho giám thị hoặc cho người được uỷ quyền đại diện cho mình. Các đề nghị, khiếu
kiện này cần được xem xét giải quyết và trả lời nhanh chóng (Quy tắc 35. Quy
tắc chuẩn mực tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955).
-
Nguyên tắc số 33 Tập hợp các nguyên tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ mọi người
dưới mọi hình thức giam giữ hay tù giam năm 1998 nêu rõ, những người bị giam
giữ, phạm nhân, luật sư, thành viên gia đình họ hay bất kỳ ai biết về tình
trạng của họ đều có quyền yêu cầu cải thiện điều kiện đối xử, hoặc khiếu nại về
điều kiện đối xử đối với họ, đặc biệt là khiếu nại liên quan đến tra tấn, đối
xử vô nhân đạo. Nếu yêu cầu hay khiếu nại đó bị cơ quan quản lý trại giam từ
chối thì tiếp tục có quyền khiếu kiện lên một cơ quan tư pháp hay một cơ quan
khác có thẩm quyền.
b)
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị tra tấn
Trách
nhiệm hàng đầu của mỗi quốc gia khi ký kết, gia nhập Công ước là phải thực hiện
các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn và các hành vi trừng phạt, đối xử
vô nhân đạo. Tuy nhiên, khi có bằng chứng để kết luận rằng hành vi tra tấn đã
diễn ra thì quốc gia đó phải thực hiện bồi thường thiệt hại, đền bù xứng đáng
cho nạn nhân và thành viên gia đình họ. Nghĩa vụ này đã được cụ thể hóa tại
Điều 14 của Công ước như sau:
“1. Quốc gia thành viên
phải đảm bảo rằng trong hệ thống pháp luật quốc gia nạn nhân của mọi hành vi
tra tấn được bồi thường và có quyền yêu cầu bồi thường tương xứng và công bằng,
bao gồm cả những biện pháp để được phục hồi hoàn toàn ở mức tối đa có thể.
Trong trường hợp nạn nhân bị chết do hành động tra tấn, những người phụ thuộc
của nạn nhân phải được quyền nhận bồi thường.
2. Quy định tại Điều này
không ảnh hưởng đến quyền được bồi thường của nạn nhân hoặc của những người
khác theo quy định của pháp luật quốc gia”.
Nghĩa
vụ đền bù, bồi thường cho các cá nhân bị xâm phạm quyền cũng được ghi nhận
trong các điều ước quốc tế về quyền con người, nguyên tắc và chuẩn mực đối xử
với người bị tước tự do, phòng, chống tra tấn khác, chẳng hạn như: Công ước
ICCPR,[11] Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ những người
dưới mọi hình thức giam, giữ; [12] Các nguyên tắc về điều tra và lập tư liệu
đầy đủ về hành vi tra tấn và hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân
đạo hoặc hạ nhục con người[13]; Tuyên bố về những Nguyên tắc tư pháp cơ bản
đối với nạn nhân của hành vi phạm tội và sự lạm dụng quyền lực[14]; Các nguyên tắc cơ bản và Hướng dẫn về quyền
có biện pháp giải quyết và bồi thường cho nạn nhân của các hành vi vi phạm
nghiêm trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế[15]….
Theo
Công ước và các điều ước quốc tế liên quan thì việc thực hiện quyền bồi thường
có hiệu quả cho nạn nhân phải bao gồm cả những thiệt hại về vật chất, tinh thần
cho nạn nhân dưới các hình thức như: hoàn trả (khôi phục lại tình trạng giống
với trước khi bị bắt), bồi thường (cho mọi thiệt hại có thể đánh giá được về
kinh tế kể cả về thể xác và tinh thần một cách công bằng và đầy đủ), phục hồi
chức năng (về sức khoẻ, tâm lý và các dịch vụ pháp lý, xã hội), bồi thường thoả
đáng (bao gồm cả việc công bố sự thật, xin lỗi chính thức công khai...) và đảm
bảo không để tái phạm.
Để
thực hiện việc đền bù, bồi thường cho nạn nhân của hành vi tra tấn, quốc gia
cần đảm bảo có biện pháp khắc phục hiệu quả bao gồm cả khắc phục về pháp lý và
hành chính như có thể thông qua cơ quan nhân quyền quốc gia, uỷ ban bồi thường,
uỷ ban hoà giải...
Cần
lưu ý rằng phạm vi áp dụng của Điều 14 không chỉ dừng lại đối với nạn nhân tra
tấn mà còn cả nạn nhân của các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo khác như
quy định tại Điều 16. Nghĩa vụ này của các quốc gia thành viên Công ước Chống
tra tấn đã được khẳng định trong vụ
Hajrizi Dzemajl kiện Nam Tư, theo đó, Ủy ban chống tra tấn giải thích rằng, các
quốc gia thành viên cần thực hiện nghĩa vụ tích cực của mình thông qua việc bồi
thường một cách công bằng và hiệu quả cho cả những nạn nhân của hành vi đối xử
tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.
B. Nội dung quy định tại phần II Công
ước
Phần
II của Công ước gồm 8 điều, từ Điều 17 đến Điều 24, quy định về việc thực thi
và giám sát việc thực thi Công ước, trong đó, trọng tâm là quy định về Ủy ban
chống tra tấn và hoạt động của Ủy ban này.
1. Ủy ban chống tra tấn
Theo
quy định tại Điều 17 của Công ước, có thể hiểu Ủy ban chống tra tấn là một cơ
quan gồm những chuyên gia độc lập, được lựa chọn từ các thành viên của Công ước
nhằm giám sát, thúc đẩy quá trình thực thi Công ước của các quốc gia thành
viên. Hiện nay, Uỷ ban Chống tra tấn có 10 thành viên làm việc theo nhiệm kỳ 04
năm. Tuy nhiên, theo Điều 18 Công ước Chống tra tấn, một nửa số thành viên của
Uỷ ban sẽ được bầu lại mỗi 2 năm.[16] Các thành viên của Ủy ban có thể được bầu
lại. Ủy ban sẽ soạn thảo các quy chế hoạt động của mình, nhưng các quy chế này
phải bao gồm các nội dung sau: Ủy ban chỉ họp khi có mặt ít nhất sáu thành
viên; các quyết định của Ủy ban được thông qua bằng đa số phiếu của các thành
viên có mặt. Tổng thư ký Liên hợp quốc bảo đảm về nhân sự và trang thiết bị cần
thiết để Ủy ban thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ theo Công ước này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp trù bị của Ủy ban. Sau cuộc họp
trù bị này, Ủy ban sẽ họp theo quy định của quy chế hoạt động. Các quốc gia
thành viên phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức các cuộc họp giữa
các quốc gia thành viên và của Ủy ban, như các chi phí nhân sự và trang thiết
bị làm việc mà Liên hợp quốc đã chi trả theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Ủy ban họp định kỳ hàng năm vào tháng 5 và tháng 11 tại
Geneva, Thụy Sĩ.
Ủy
ban Chống tra tấn phải gửi báo cáo hàng năm về các hoạt động của mình theo Công
ước này cho các quốc gia thành viên và cho Đại hội đồng Liên hợp quốc (Điều 24
Công ước).
2. Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của
Ủy ban chống tra tấn
Uỷ
ban Chống tra tấn giám sát, thúc đẩy quá trình thực thi Công ước thông qua các
hoạt động cụ thể sau:
(i)
Xem xét các báo cáo về việc thực thi Công ước Chống tra tấn do các quốc gia
thành viên Công ước nộp. Theo Điều 19 Công ước Chống tra tấn, các quốc gia
thành viên có nghĩa vụ nộp các báo cáo (lần đầu sau 01 năm kể từ ngày gia nhập
Công ước và định kỳ mỗi 04 năm sau đó) cung cấp các thông tin về quá trình thực
hiện Công ước của mình. Các báo cáo này sẽ được Uỷ ban Chống tra tấn xem xét và
từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp các quốc gia thực hiện tốt hơn Công ước
trong giai đoạn tiếp theo.
(ii)
Điều tra các cáo buộc tra tấn trên diện rộng được thực hiện ở các quốc gia
thành viên (Điều 20 Công ước Chống tra tấn);
(iii)
Xem xét các khiếu nại về tra tấn được thực hiện ở một quốc gia thành viên Công
ước do một quốc gia thành viên khác nộp tới Uỷ ban (Xem xét khiếu nại liên
chính phủ, Điều 21). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Uỷ ban Chống tra tấn chỉ có
thẩm quyền giải quyết các khiếu nại liên chính phủ đối với các quốc gia có
tuyên bố chấp nhận thẩm quyền này theo quy định của Điều 21 Công ước;
(iv)
Xem xét các khiếu nại của các cá nhân về việc họ bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô
đạo hoặc hạ nhục (Điều 22). Tương tự như thẩm quyền xem xét các khiếu nại liên
chính phủ, Uỷ ban Chống tra tấn chỉ có quyền xem xét các khiếu nại các nhân
chống lại các quốc gia thành viên khi quốc gia đó đã có tuyên bố chấp nhận thẩm
quyền này của Uỷ ban.
(v)
Xây dựng và công bố các Bình luận chung giải thích về nội dung các quy định của
Công ước.
Ngoài
ra, Uỷ ban Chống tra tấn cũng giám sát, thúc
đẩy việc thực thi Công ước thông qua phối hợp với cơ quan khác của Liên hợp
quốc, chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về những vấn đề liên quan tới tra tấn
của Hội đồng nhân quyền (tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Đại hội đồng
Liên hợp quốc).[17]
C. Nội dung quy định tại phần III Công
ước
Phần
III của Công ước gồm 09 điều, từ Điều 25 đến Điều 33, quy định về hiệu lực, sửa
đổi và giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ước.
1. Thủ tục trở thành thành viên và hiệu
lực của Công ước
Pháp
luật quốc tế xác định một số hình thức phổ biến để các quốc gia có thể trở
thành thành viên của điều ước. Những cách thức này đã được pháp điển hóa trong
Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969, trong đó những hình thức điển hình là
ký, trao đổi văn kiện tạo thành điều ước, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc
gia nhập.
Công
ước Chống tra tấn cũng áp dụng “mô hình” phổ biến quy định trong Công ước Viên.
Cụ thể, các điều 25 và 26 của Công ước Chống tra tấn quy định các cách thức để
một quốc gia có thể trở thành thành viên Công ước cũng như hiệu lực của Công
ước như sau: Công ước này để ngỏ cho tất cả các quốc gia ký kết; Công ước này
phải được phê chuẩn; Các văn kiện phê chuẩn sẽ được gửi cho Tổng thư ký Liên
hợp quốc; Mọi quốc gia đều có thể gia nhập Công ước này; và việc gia nhập có
hiệu lực khi văn kiện gia nhập được gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Theo
quy định nêu trên, các hành vi tham gia vào điều ước của một quốc gia có thể
được thực hiện thông qua: “ký”, “phê chuẩn” và “gia nhập”.
2. Bảo lưu
Bảo
lưu được hiểu là hành vi của các quốc gia nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực
của một hoặc một số điều khoản nhất định của điều ước quốc tế.
Đối
với Công ước Chống tra tấn, Điều 28 Công ước quy định, quốc gia có quyền tuyên
bố vào lúc ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước rằng, quốc gia không công nhận
thẩm quyền của Ủy ban quy định tại Điều 20 Công ước, cụ thể như sau: tại thời
điểm ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này, quốc gia có thể tuyên bố không
thừa nhận thẩm quyền của Ủy ban theo quy định tại Điều 20. Quốc gia thành viên
bảo lưu theo quy định tại khoản 1 của Điều này có quyền rút lại bảo lưu tại bất
kỳ thời điểm nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Như
vậy, Công ước thuộc loại điều ước quốc tế chỉ cho phép bảo lưu trong một số quy
định nhất định. Công ước không trao cho quốc gia thành viên quyền “bảo lưu”
nhằm loại trừ hoàn toàn hiệu lực của bất kỳ điều khoản Công ước mà chỉ cho phép
các quốc gia có quyền không thừa nhận một số thẩm quyền nhất định của Ủy ban;
và khi các thành viên thừa nhận thẩm quyền đó thì các thành viên này phải thực
hiện thông báo về việc thừa nhận thẩm quyền đó cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
3. Về hiệu lực và sửa đổi Công ước
Theo
quy định tại Điều 27 Công ước, Công ước Chống tra tấn có hiệu lực vào ngày thứ
30 kể từ ngày kể từ ngày Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận được văn kiện phê chuẩn
hoặc quốc gia thứ hai mươi gia nhập. Thực tế, Công ước đã có hiệu lực vào ngày
26/6/1987, sau khi quốc gia thứ 20 nộp văn kiện phê chuẩn (ngày này sau đó đã
được công nhận là “Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn”). Đối với quốc gia
phê chuẩn hay gia nhập Công ước này sau Công ước có hiệu lực, Công ước sẽ có
hiệu lực đối với quốc gia đó vào ngày thứ 30 kể từ ngày quốc gia này nộp văn
kiện phê chuẩn hay gia nhập của mình cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Công
ước cũng cho phép các quốc gia thành viên có thể đề nghị sửa đổi Công ước theo
thủ tục quy định tại Điều 29 như sau:
“Quốc gia thành viên của Công ước này có thể
đề nghị sửa đổi Công ước và gửi đề xuất sửa đổi đó cho Tổng thư ký Liên hợp
quốc. Tổng thư ký ngay sau đó sẽ gửi đề xuất sửa đổi này tới các quốc gia thành
viên và yêu cầu các quốc gia thành viên cho ý kiến về việc có hay không ủng hộ
việc triệu tập hội nghị các quốc gia thành viên để xem xét và bỏ phiếu thông
qua đề nghị. Trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày gửi đề nghị, nếu có ít nhất
một phần ba số quốc gia thành viên tán thành, Tổng thư ký sẽ triệu tập hội nghị
dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Đề xuất sửa đổi được đa số các quốc gia
thành viên có mặt và bỏ phiếu thông qua tại hội nghị sẽ được Tổng thư ký gửi
tới tất cả các quốc gia thành viên để chấp thuận. Sửa đổi được thông qua theo
quy định tại khoản 1 Điều này sẽ có hiệu lực khi hai phần ba số quốc gia thành
viên của Công ước thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc chấp thuận
sửa đổi theo quy trình hợp pháp của quốc gia. Khi các sửa đổi có hiệu lực, sẽ
có giá trị ràng buộc đối với những quốc gia thành viên chấp thuận sửa đổi đó,
những quốc gia thành viên khác vẫn bị ràng buộc bởi những quy định của Công ước
này và những sửa đổi mà họ đã chấp thuận trước đó”.
Điều
này cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có thể đề nghị sửa đổi Công ước và gửi
cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ thông tin cho các
bên và xin ý kiến về việc mở một cuộc họp giữa các thành viên và bỏ phiếu cho
đề nghị sửa đổi đó. Khi có 2/3 thành viên tán thành, việc sửa đổi sẽ có hiệu
lực và có giá trị bắt buộc đối với những bên chấp thuận cũng như bên không chấp
thuận.
4. Vấn đề giải quyết tranh chấp
Điều 30 của Công ước quy định
tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến giải thích hay
áp dụng Công ước này, nếu không giải quyết được thông qua đàm phán thì một
trong các bên có quyền yêu cầu trọng tài phân xử. Trong trường hợp, sau sáu
tháng kể từ ngày yêu cầu trọng tài phân xử mà các Bên vẫn không thể thống nhất
về việc tổ chức trọng tài thì một trong các Bên có quyền đệ trình tranh chấp ra
Toà án Công lý quốc tế bằng một yêu cầu phù hợp với Quy chế của Toà án.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều
30 Công ước, các quốc gia có quyền bảo lưu quy định về giải quyết tranh chấp
nói trên tại thời điểm ký, phê chuẩn hoặc gia nhập. Trong trường hợp muốn chấm
dứt việc bảo lưu, quốc gia thành viên có thể nộp văn kiện thể hiện ý định này
cho Tổng thư ký Liên hợp quốc theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Công ước. Hiện
nay có 24 quốc gia bảo lưu khoản 1 Điều 30 như Thái Lan, Mỹ, Pháp...
5. Các vấn đề khác liên quan đến thủ tục
Theo quy định tại Điều 31 của
Công ước, các quốc gia thành viên có thể tuyên bố rút khỏi Công ước này bằng
thông báo bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, việc tuyên bố bãi bỏ này
có hiệu lực một năm sau ngày Tổng thư ký nhận thông báo. Tuyên bố bãi bỏ sẽ
không có hiệu lực “giải thoát” Bên đó khỏi những nghĩa vụ theo Công ước về bất
kỳ hành động hay sự chểnh mảng trước ngày việc tuyên bố đó có hiệu lực. Quốc
gia thành viên có quyền tuyên bố rút khỏi Công ước này bằng cách gửi thông báo
bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Việc rút khỏi Công ước sẽ có hiệu lực
sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký nhận được thông báo. Việc rút khỏi Công ước
sẽ không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ theo Công ước này của quốc gia thành viên về
hành động hoặc không hành động xảy ra trước ngày tuyên bố có hiệu lực; việc
tuyên bố rút khỏi Công ước cũng không ảnh hưởng đến việc tiếp tục xem xét các vấn
đề đang được Ủy ban xem xét trước ngày tuyên bố rút khỏi Công ước có hiệu lực.
Sau khi tuyên bố rút khỏi Công ước của một quốc gia thành viên có hiệu lực, Ủy
ban sẽ không xem xét các vấn đề mới liên quan đến quốc gia đó”.
Ngoài ra, theo quy định tại
Điều 32 của Công ước, cũng tương tự như các điều ước quốc tế khác của Liên hợp
quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ thông báo cho tất cả các thành viên của Liên
hợp quốc và tất cả các quốc gia đã ký hoặc gia nhập Công ước này những nội dung
sau:
- Việc ký, phê chuẩn và gia
nhập theo quy định tại Điều 25 và Điều 26;
- Ngày có hiệu lực của Công
ước theo quy định tại Điều 27 và của các sửa đổi theo quy định tại Điều 29;
- Tuyên bố rút khỏi Công ước
theo quy định tại Điều 31.
III. SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM
- Ngày 07/11/2013, đại diện
của Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia Công ước Chống tra tấn tại Niu-Oóc, Hoa Kỳ.
- Ngày
28/11/2014, với 100% số đại biểu tán thành, Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 đã
thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước CAT. Ngày 05/02/2015,
Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
- Về bảo lưu: Tại thời điểm
phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Ủy ban
Chống tra tấn trong việc điều tra tình huống tra tấn diễn ra trên diện rộng tại
quốc gia thành viên (Điều 20); và bảo
lưu khoản 1 Điều 30 Công ước CAT về giải quyết tranh chấp trong quá trình thực
hiện, giải thích quy định Công ước Chống tra tấn.
Bên cạnh
đó, Việt Nam tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để thực hiện
dẫn độ đối với các tội phạm được quy định tại Điều 4 Công ước. Việc dẫn độ các
tội phạm này sẽ được quyết định dựa trên cơ sở các điều ước quốc tế về dẫn độ
mà Việt Nam là thành viên và nguyên tắc có đi có lại; đồng thời việc thực hiện
dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam.
-
Ngay sau khi phê chuẩn Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện
Công ước Chống tra tấn. Trong giai đoạn từ năm 2015-2017, trên cơ sở quy định tại
Điều 19 Công ước và Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn, Bộ
Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện xây dựng Báo
cáo quốc gia thực hiện Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất của Việt Nam. Ngày 20/7/2017, Việt Nam chính thức gửi Báo
cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất tới Ủy ban Chống
tra tấn.
- Ngày
10-11/11/2018, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an
tham dự Phiên đối thoại với Ủy ban Chống tra tấn về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất.
- Ngày
28/12/2018, Ủy ban Chống tra tấn đã gửi các khuyến nghị của Ủy ban tới Việt
Nam. Hiện nay, các Bộ, ngành của Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu, xem xét tổ
chức thực hiện các khuyến nghị này.
Tài liệu 2
CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ PHÒNG, CHỐNG
TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC TRỪNG PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ
NHỤC CON NGƯỜI
I. KHÁT QUÁT QUÁ TRÌNH NỘI LUẬT HOÁ CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN CỦA VIỆT NAM
Để
triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn (Quyết định số
364/QĐ-TT). Tại mục II.2 của Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ một
trong các nhiệm vụ lớn để triển khai Công ước Chống tra tấn là nội luật hóa các
quy định của Công ước. Theo đó, các Bộ, ngành của Việt Nam cần thực hiện rà
soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực
hiện Công ước chống tra tấn sau đây:
(1)
Hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến các hành vi tra tấn trong Bộ
luật hình sự (sửa đổi) phù hợp với nội dung định nghĩa tra tấn của Công ước;
(2)
Hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo tốt
hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam;
(3)
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành án hình sự; đẩy
nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức các cơ
quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành;
(4)
Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ luật dân sự, Luật Trách nhiệm
bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo;
(5)
Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề
nghiệp cán bộ, công chức, bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ;
(6)
Nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực
gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế để có điều chỉnh đồng bộ
về bảo vệ các nhóm đối tượng này và phù hợp với Điều 16 Công ước chống tra tấn.
Thực hiện xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật
hàng năm và Kế hoạch nói trên, đến nay, khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công
ước Chống tra tấn của Việt Nam đã được hoàn thiện hơn, thể hiện ở những nội
dung sau đây:
Thứ nhất, ngoài quy định tại khoản 1
Điều 20 Hiến pháp năm 2013, quyền không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô
nhân đạo hoặc hạ nhục con người còn được quy định tại nhiều văn bản quy phạm
pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự…. Chỉ tính từ năm 2015
đến nay, nhiều đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn
hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được ban hành mới,
sửa đổi, bổ sung, trong đó có: Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm
2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm
2015, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước
năm 2017, Luật tố cáo năm 2018…. Ngoài các quy định ghi nhận quyền, các văn bản
quy phạm pháp luật cũng quy định cấm hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt
tàn bạo, vô nhân đạo, chẳng hạn như quy định nghiêm cấm tra tấn, bức cung, nhục
hình tại Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 10), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều
4, Điều 8), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Điều 14)…
Thứ hai, Bộ luật hình sự đã được sửa
đổi để phù hợp hơn với quy định của Công ước Chống tra tấn. Mặc dù chưa có quy
định riêng về tội tra tấn, nhưng hiện nay, tất cả các hành vi có tính chất tra
tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người theo
tinh thần của Công ước đều bị coi là tội phạm. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật
của Việt Nam có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với Công ước Chống tra tấn
như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm
giam, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Luật sư cũng đã cho thấy Việt Nam có một hệ
thống pháp luật về bảo vệ quyền con người nói chung và chống tra tấn nói riêng
tương đối đầy đủ, phù hợp với những nguyên tắc và tiêu chuẩn chung của Công ước
Chống tra tấn. Về cơ bản có thể nhận xét rằng pháp luật Việt Nam đã có sự tương
thích ở mức độ khá cao với Công ước Chống tra tấn.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam hiện đã
có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo,
vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự,
thi hành án hình sự. Các quy định này bao gồm quy định ghi nhận các quyền của
các cá nhân có nguy cơ bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt, tàn bạo, vô nhân đạo
hoặc hạ nhục, chẳng hạn như người đang bị tạm giữ, tạm giam (Luật thi hành tạm
giữ, tạm giam), người đang chấp hành hình phạt tù (Luật thi hành án hình sự)….
Một số biện pháp ngăn ngừa cũng được thể hiện dưới hình thức các quy định về chức
năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực thi pháp luật,
ví dụ như Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân,
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật công an nhân dân….
Thứ tư, pháp luật Việt Nam cũng
ghi nhận các quyền được khiếu nại, tố cáo và được bồi thường cho các nạn nhân của
hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con
người. Các quyền này được ghi nhận trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật
trách nhiệm bồi thường nhà nước và một số văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ
luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam….
Thứ năm, việc bảo vệ quyền con người,
quyền không bị tra tấn còn được quy định nhiều văn bản quy phạm pháp luật có
liên quan khác như Bộ luật lao động, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống
bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trợ giúp pháp lý, Luật trẻ em....
II. CÁC QUY ĐỊNH NGHIÊM CẤM VÀ TRỪNG PHẠT HÀNH VI TRA TẤN, ĐỐI XỬ HOẶC
TRỪNG PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI
1. Quy định về cấm tra tấn và các biện
pháp đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
Khoản 2 Điều 2 Công ước Chống
tra tấn quy định: “Không có bất kỳ hoàn
cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ
bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn
cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn”. Trong thời
gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa
quy định này của Công ước, trong đó có thể kể đến một số nội dung chính sau:
1.1. Hiến
pháp năm 2013
Xuất
phát từ bản chất của Nhà nước ta, từ lý luận và thực tiễn phát triển đất nước
những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vấn
đề quyền con người và mối quan hệ giữa con người và chính trị, giữa công dân và
Nhà nước, giữa tự do cá nhân và pháp luật quốc gia. Trong mối quan hệ đó, phải
khẳng định: cá nhân làm nên xã hội; quyền lực nhà nước bắt nguồn từ công dân và
bị giới hạn bởi ý chí của người dân. Tự do, nhân phẩm của mỗi cá nhân phải được
xã hội, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ.
Hiến
pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành vi tùy tiện
trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam, theo đó “tư pháp không quyết định thì không
được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân
Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật” (Điều 11). Mặc dù quy
định này không đề cập cụ thể đến vấn đề tra tấn nhưng lại có ý nghĩa quan trọng
để bảo vệ người dân trước những vi phạm nhân quyền trong hoạt động tư pháp, bao
gồm các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục.
Nguyên
tắc trên tiếp tục được các bản Hiến pháp sau kế thừa và phát triển thành nguyên
tắc hiến định đầy đủ về quyền bất khả xâm phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm của
công dân mà được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tố tụng
(các Điều: 27, 28 Hiến pháp năm 1959; các Điều 69, 70 và 71 Hiến pháp năm 1980;
Điều 71 Hiến pháp năm 1992). Cụ thể, Điều 71 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi
và bổ sung năm 2001) quy định: “Công dân
có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức
khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt bếu không có quyết định của tòa án
nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp
phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm
cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công
dân”.
Quy định trên của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được kế thừa và bổ sung, hoàn
thiện tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013. Theo đó:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được
pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực,
truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức
khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm….”
So với quy định tại Điều 71 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi,
bổ sung năm 2001) thì Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã có sự thay đổi rất
cơ bản như sau:
Thứ nhất, về mặt chủ thể, Hiến pháp
năm 2013 bảo vệ tất cả các cá nhân, hay nói cách khác bảo vệ quyền bất khả xâm
phạm về thân thể cho con người trong khi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung
năm 2001) chỉ ghi nhận quyền này cho công dân.
Thứ hai, nội dung quyền bất khả xâm
phạm, các biện pháp bảo vệ và các hình thức vi phạm quyền bất khả xâm phạm về
thân thể của cá nhân theo Hiến pháp năm 2013 đã được quy định khái quát và rõ
ràng hơn. Cụ thể như sau:
- So
với Hiến pháp năm 1992 thì Hiến pháp năm 2013 có quy định bổ sung hai hành vi
“tra tấn, bạo lực” là những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tư pháp hình sự
nhằm bảo đảm quyền con người. Theo quy định này của Hiến pháp năm 2013, các
hành vi cụ thể như lăng mạ, đe dọa, đánh đập đối với người bị bắt, bị tạm giữ,
tạm giam hay người đang chấp hành hình phạt tù gây cho họ đau đớn, đau khổ
nghiêm trọng về thể xác, tinh thần là các hành vi vi phạm quyền con người. Các
hành vi khác như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, ăn cơm nhạt, không cho ngủ, giam
trong buồng tối, xét hỏi suốt ngày đêm gây cho người bị giam giữ căng thẳng tột
độ, bắt đứng hoặc quỳ khi hỏi cung cũng đều là hành vi xúc phạm danh dự, nhân
phẩm, vi phạm quyền con người.
- Quy
định này của Hiến pháp năm 2013 đã bảo vệ mọi cá nhân trong mọi điều kiện, hoàn
cảnh khác nhau (ví dụ, bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh
sống trên lãnh thổ Việt Nam hay người đang bị giam, giữ…). Điều đó cũng có
nghĩa trách nhiệm của Nhà nước là không được xâm phạm quyền này của cá nhân hay
đặt ra giới hạn đối với quyền này, kể cả trong tình trạng khẩn cấp. Nhà nước có
trách nhiệm phải ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh
dự, nhân phẩm của cá nhân.
1.2. Các quy định pháp luật khác
Ngoài quy định của Hiến pháp, quyền không bị tra tấn, bức cung, nhục
hình và quy cấm tra tấn, bức cung, nhục hình còn được ghi nhận ở nhiều văn bản
luật, trong đó có:
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: quy định
rõ cấm tra tấn, bức cung, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm
tính mạng, sức khỏe của con người tại Điều 10. Theo đó, mọi người có quyền bất
khả xâm phạm về thân thể; nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất
kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con
người.
- Luật thi hành án hình sự năm 2010: quy định các nguyên tắc: tuân thủ Hiến
pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân; bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi
ích hợp pháp của người chấp hành án (Điều 4); cấm nhận hối lộ, sách nhiễu trong
thi hành án hình sự; cản trở người chấp hành án thực hiện quyền được đề nghị miễn,
giảm thời hạn chấp hành án (Điều 9)...
- Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015: quy định về việc cấm tra tấn,
truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và
lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (các điều 4 và 8).
- Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015: quy định nghiêm cấm bức
cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo,
vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền
và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 14).
2. Các quy định của Bộ luật hình sự nhằm trừng phạt hành vi tra tấn, đối xử hoặc
trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa quy định tra tấn
như mô tả tại Công ước Công ước Chống tra tấn là một tội danh độc lập cũng như không quy định khái niệm "tra tấn". Tuy nhiên, không phải đợi
đến khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống tra tấn thì chúng ta mới có các công
cụ pháp lý hình sự để phòng, chống và trừng trị hành vi tra tấn. Nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp, Bộ
luật Hình sự qua các thời kỳ quy định nhiều chế định pháp lý nhằm
bảo đảm trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn, bạo lực, bức
cung, nhục hình hay các hành vi khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, danh
dự, nhân phẩm con người.
Rà soát BLHS 1999 cho thấy, hành vi tra tấn tuỳ từng trường hợp cụ thể có
thể xử lý về tội giết người (Điều 93), tội đe doạ giết người (Điều
103), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người
khác (Điều 104), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107), tội làm
nhục người khác (Điều 121), tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp
luật (Điều 123), tội dùng nhục hình (Điều 298), tội bức cung (Điều
299), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp
luật (Điều 303), tội ngược đãi tù binh, hàng binh (Điều 340),... Trong số các tội phạm nêu trên, có 02 điều luật
có cấu thành gần với tra tấn theo yêu cầu của Công ước, đó là tội
dùng nhục hình (Điều 298), tội bức cung (Điều 299). Hai tội này được
quy định tại Chương XXII của BLHS 1999 về các tội xâm phạm hoạt động
tư pháp- là các tội xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều
tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi
của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ngoài ra để bảo đảm trừng trị hành vi tra tấn, BLHS năm
1999 cũng quy định các vấn đề liên quan đến quyền tài phán, theo đó: i) BLHS
được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam; ii) công dân
Việt Nam phạm tội ở nước ngoài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt
Nam; iii) người nước ngoài phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam trong trường hợp được quy định trong các
điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đánh giá các quy định của BLHS 1999 với các quy định của UNCAT về hình sự
hóa cho thấy, về cơ bản, pháp luật hình sự của Việt Nam, mặc dù không
quy định tội tra tấn nhưng bằng các quy định khác nhau, đã bảo đảm
xử lý các hành vi tra tấn theo khái niệm ghi nhận tại UNCAT. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp
tục kế thừa quy định của BLHS năm 1999 về các tội danh tương ứng liên quan đến
tội phạm tra tấn, đồng thời đã có nhiều sự sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với
tinh thần của Công ước Chống tra tấn.
2.1. Các tội
danh liên quan trực tiếp đến hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo,
vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
a) Tội dùng
nhục hình (Điều 373)
- Theo quy định tại Điều 373 của Bộ luật hình sự năm 2015, người
nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo
dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sử dụng
nhục hình hoặc bất kỳ hình thức nào đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người
khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị tra tấn thì bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình.
Biểu hiện của hành vi phạm tội có thể là dùng vũ lực gây đau
đớn cho nạn nhân như đấm, đá, đánh bằng tay, chân hoặc dùng các vật khác như
roi, thanh sắt, khúc cây,… để đánh vào cơ thể nạn nhân; hoặc hình thức khác như
cùm chân tay, bắt đứng, ngồi, nằm ở những tư thế khó chịu, bắt nhịn ăn, nhịn uống,
cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng,
bắt tắm nước lạnh vào mùa đông, bắt lao động nặng nhọc,… Hành vi dùng nhục hình
gây đau đớn về thể xác và/hoặc tinh thần cho người bị tra tấn, tuy nhiên, hậu
quả gây ra không phải là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm này. Việc gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người bị
nhục hình, tùy từng trường hợp cụ thể là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
tại khoản 2, 3 hoặc 4 của Điều luật.
Người dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người khác là người
có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành biện pháp đưa
vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc. Hành vi phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội
nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành
vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc chỉ thấy trước hậu quả của hành vi đó có
thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Mục đích, động cơ phạm tội trong mỗi trường hợp là khác nhau nhưng không phải
là dấu hiệu bắt buộc.
- Hình phạt đối với tội nhục hình theo quy định của Bộ luật
hình sự năm 2015 rất nghiêm khắc từ 06 tháng tù đến 20 năm hoặc tù chung thân
tùy trường hợp cụ thể, như sau:
(i) Khoản 1 Điều luật quy định khung hình phạt cơ bản với mức
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
(ii) Khoản 2 Điều luật quy định mức phạt tù từ 02 năm đến 07
năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; đối với
02 người trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật
đặc biệt nặng; gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà
tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.
(iii) Khoản 3 Điều luật
quy định mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường
hợp: gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà
tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm người bị nhục hình tự sát.
(iv) Khoản 4 Điều luật quy định khung hình phạt cao nhất với
mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu hành vi phạm tội làm
người bị nhục hình chết.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng
hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Công ước Chống tra tấn,
phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, so với quy định của BLHS
1999, Điều 373 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có những nội dung
sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:
Thứ
nhất, Bộ
luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể của tội dùng nhục hình so với
Bộ luật hình sự năm 1999, ngoài những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng,
thi hành án thì còn bao gồm cả người thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo
dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (các
biện pháp tư pháp) cũng là đối tượng phạm tội dùng nhục hình.
Thứ hai,